Không chỉ cần thời gian để chẩn đoán đúng trầm cảm, tìm ra loại thuốc thích hợp để chữa trị bệnh cũng là một quá trình phức tạp không kém. Có người có những vấn đề y tế nghiêm trọng khác như các bệnh về tim, phổi hay thận làm cho thuốc chống trầm cảm trở nên nguy hiểm khi dùng. Thuốc chống trầm cảm có thể không hiệu quả với bạn hay liều lượng không đúng, hoặc chưa đủ thời gian để thấy được tác dụng của thuốc, hay những tác dụng phụ quá mức chịu đựng, dẫn đến việc điều trị thất bại.
Nếu bạn dùng thuốc chống trầm cảm để điều trị rối loạn trầm cảm thì bạn cần nên nhớ những điều sau:
- Khoảng 30% người mắc trầm cảm thuyên giảm hoàn toàn sau lần đầu dùng thuốc chống trầm cảm, dựa trên một nghiên cứu năm 2006 được tài trợ bởi Viện sức khỏe quốc gia. Những người thuyên giảm nhanh thường dùng liều thuốc cao hơn trong khoảng thời gian dài so với những người khác.
- Một số loại thuốc chống trầm cảm có hiệu quả tốt hơn với một số người. Việc thử dùng nhiều loại thuốc điều trị trầm cảm khác nhau trong chữa trị không phải là điều kỳ lạ.
- Có nhiều người cần nhiều hơn một loại thuốc để chữa trị trầm cảm.
- Thuốc chống trầm cảm có cảnh báo trên hộp về việc tăng nguy cơ, suy nghĩ và hành vi tự tử ở trẻ em, thiếu niên và thanh niên trong độ tuổi 18-24t.
Thuốc chống trầm cảm, đôi lúc được dùng song song với tư vấn trị liệu thường là phương pháp chữa trị trầm cảm đầu tiên được dùng với người được chẩn đoán mắc trầm cảm. Nếu một loại thuốc chồng trầm cảm không có hiệu quả, bạn có thể thử dùng thuốc cùng nhóm hoặc khác nhóm với loại thuốc đó. Bác sĩ của bạn cũng có thể thay đổi liều lượng bạn dùng. Trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể khuyến khích bạn dùng nhiều hơn một loại thuốc để chữa trị trầm cảm.
Có những loại thuốc chống trầm cảm nào?
- Thuốc ngăn hấp thụ ngược serotonin có chọn lọc (SSRIs) được tung ra thị trường vào giữa và cuối năm 1980. Loại thuốc chống trầm cảm này là loại được dùng thông thường nhất hiện nay để chữa trị trầm cảm. Ví dụ bao gồm citalopram (Celexa), escitalopram (Lexapro), paroxetine (Paxil, Pexeva), fluoxetine (Prozac, Sarafem), và sertraline (Zoloft). Hai loại thuốc mới hơn, được sắp vào loại "kích thích và ảnh hưởng đến serotonin" SMS, nghĩa là chúng có vài tính chất giống SSRIs nhưng cũng ảnh hưởng đến những cơ quan thụ cảm khác của não bộ là vilazodone (Viibryd) và vortioxetine (Brintellix). Tác dụng phụ thường nhẹ nhưng có thể gây khó chịu với vài người, bao gồm buồn ói, mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ, thay đổi cân nặng và nhức đầu.
- Thuốc ngăn hấp thụ ngược serotonin và norepinephrine là loại thuốc chống trầm cảm mới hơn. Loại này bao gồm venlafaxine (Effexor), desvenlafaxine (Pristiq và Khedezla), duloxetine (Cymbalta), và, levomilnacipran (Fetzima). Tác dụng phụ bao hồm khó ngủ, bao tử khó chịu, lo âu, chóng mặt và mệt mỏi.
- Thuốc ba vòng (TCA) là một trong những loại thuốc chữa trị trầm cảm đầu tiên, bao gồm amitriptyline (Elavil), desipramine (Norpramin, Pertofrane), doxepin (Adapin, Sinequan), imipramine (Tofranil), nortriptyline (Aventyl, Pamelor), protriptyline (Vivactil), và trimipramine (Surmontil). Tác dụng phụ bao gồm mệt mỏi, bao tử khó chịu, miệng khô, thay đổi huyết áp và đường trong máu, và buồn ói.
- MAOIs – Monoamine oxidase inhibitors là một trong những loại thuốc điều trị trầm cảm sớm nhất bao gồm phenelzine (Nardil), tranylcypromine (Parnate) , isocarboxazid (Marplan), và transdermal selegiline (miếng dán EMSAM). Mặc dù MAOIs dùng tốt nhưng rất ít được kê đơn vì phản ứng nguy hiểm giữa chúng với các loại thuốc và thức ăn khác như phô mai và thịt để lâu.
- Những loại thuốc khác:
– Mirtazapine (Remeron) cũng là một loại thuốc điều trị trầm cảm đặc biệt khác được cho là ảnh hưởng chủ yếu đến serotonin và norepinephrine thông qua cơ quan thụ cảm khác với những loại thuốc còn lại. Thường được dùng trước lúc đi ngủ vì thuốc này gây buồn ngủ. Tác dụng phụ bao thường nhẹ và bao gồm buồn ngủ, tăng cân, tăng hàm lượng chất béo triglycerides và chóng mặt.
– Trazodone (Desyrel) thường được dùng với thức ăn để hạn chế bao tử khó chịu. Tác dụng phụ bao gồm buồn ngủ, chóng mặt, táo bón, khô miệng và mờ mắt.
Những loại thuốc nào được dùng kèm với thuốc chống trầm cảm?
– Có những loại thuốc được kê cùng với thuốc chống trầm cảm, đặc biệt trong những trường hợp bệnh nhân không phản ứng với thuốc. Sau đây là những ví dụ về các loại thuốc được dùng kèm theo thuốc chống trầm cảm.
– Một vài loại thuốc chống loạn thần đặc biệt đã được chứng mình làm tăng thêm tác dụng của thuốc chống trầm cảm khi hiệu quả từ lần dùng thuốc chống trầm cảm đầu tiên thấp. Những loại này bao gồm Abilify (aripiprazole), Seroquel (quetiapine) và Rexulti (brexpiprazole). Symbyax là một loại thuốc kết hợp giữa thuốc chống loạn thần Zyprexa (olanzapine) và SSRI (Prozac, hoặc fluoxetine) được chấp thuận trong điều trị trầm cảm không phản ứng với thuốc hoặc trầm cảm với những người mắc rối loạn lưỡng cực.
– Lithium carbonate, thường được dùng ổn định khí sắc với những người mắc rối loạn lưỡng cực, thường được cân nhắc kê thêm cùng với thuốc chống trầm cảm trong chữa trị trầm cảm.
– Những loại thuốc kích thích khác như methylphenidate (Ritalin) hay lisdexamfetamine (Vyvanse) thường được dùng để điều trị một vài dạng trầm cảm.
– Buspar (buspirone) là một loại thuốc chống lo âu đôi lúc được dùng trong điều trị trầm cảm.
– Bác sĩ điều trị có thể khuyến khích hoặc kê đơn một vài loại thuốc bổ hay thuốc điều trị trầm cảm chưa được FDA (cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc) chấp thuận.
Có những gợi ý nào tận dụng hết những gì có được từ điều trị trầm cảm?
– Theo dõi khí sắc, cảm xúc của bạn: Theo dõi khí sắc và hành vi có thể giúp bác sĩ điều trị chứng trầm cảm tốt hơn trước khi nó trở nên khó chữa. Cố gắng quan sát bất kỳ xu hướng dao động khí sắc mỗi tuần và gọi điện cho bác sĩ nếu bạn cảm thấy không ổn.
– Cải thiện mạng lưới giúp đỡ: Mặc dù bạn không thể điều khiển hay thay đổi chẩn đoán trầm cảm nhưng có một số thứ bạn có thể điều khiển. Bạn có thể tìm kiếm hay tạo dựng mạng lưới trợ giúp tích cực đến từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp, tổ chức tôn giáo, hoặc các hội nhóm cộng đồng.
– Theo hết phác đồ điều trị: Thuốc chống trầm cảm có thể cần tới 8 tuần trước khi bắt đầu thấy hiệu quả. Không bỏ lỡ hoặc dừng thuốc trước khi phác đồ kết thúc. Nếu bạn không uống đúng thuốc, đúng liều được kê, bạn đã bỏ lỡ cơ hội để thuốc có tác dụng.
– Đi khám chuyên gia điều trị trầm cảm: Nói chuyện với chuyên gia được huấn luyện trong lúc bạn điều trị là điều rất quan trọng. Mặc dù chuyên viên tư vấn không thể cho thuốc nhưng họ được huấn luyện đánh giá tâm lý và điều trị tâm lý. Bạn có thể làm việc cùng với nhà tâm lý học trong khi dùng thuốc. Cố gắng tìm người nào có nhiều kinh nghiệm điều trị với trầm cảm không phản ứng thuốc. Các chuyên gia về rối loạn cảm xúc thường được tìm thông qua các bệnh viện đại học y dược.
– Tạo dựng thói quen tốt: Dùng thuốc đúng liều đúng khung giờ mỗi ngày. Sẽ dễ nhớ hơn nếu bạn dùng thuốc kèm theo một hoạt động nào đó ví dụ ăn sáng hoặc lên giường đi ngủ. Mua một hộp đựng thuốc 7 ô tương ứng với 7 ngày trong tuần, sẽ khiến bạn dễ nhận ra xem mình có bỏ lỡ ngày nào không. Thường thì đôi khi ai cũng quên uống thuốc vài lần, nên bạn cần hỏi bác sĩ trước liệu mình bỏ lỡ thuốc một hay nhiều ngày thì nên làm thế nào.
– Đừng lờ đi tác dụng phụ: Tác dụng phụ là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh nhân bỏ thuốc. Nếu bạn gặp phải tác dụng phụ tệ thì nên nói cho bác sĩ để xem có cách nào hạn chế hoặc loại trừ nó hay không. Tuy nhiên nên nhớ rằng tác dụng phụ có thể rất tệ khi bạn mới bắt đầu dùng thuốc và giảm dần theo thời gian.
– Cho bác sĩ biết các loại thuốc bạn đang dùng hoặc được bác sĩ khác kê đơn: Một vài loại thuốc có thể có phản ứng quan trọng với thuốc chống trầm cảm. Nói cho bác sĩ biết nếu bạn đã dùng hoặc chuẩn bị dùng bất kỳ loại thuốc nào để họ có thể theo dõi và chắc rằng thuốc điều trị cho bạn là an toàn khi dùng với những loại thuốc khác.
– Đừng bao giờ dừng uống thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ: Nếu bạn cần phải dừng thuốc vì một lý do nào đó, thì bác sĩ có thể giảm liều bạn đang dùng dần dần. Nếu bạn ngưng đột ngột, bạn có thể gặp tác dụng phụ và cơn trầm cảm của bạn có thể trở nên tệ hơn.
– Đừng cho rằng bạn có thể dừng dùng thuốc khi bạn cảm thấy khá hơn: Nếu bạn cảm thấy khá hơn và muốn dừng thuốc thì bạn cần nói chuyện với bác sĩ trước. Đừng tự dừng, việc dừng thuốc đột ngột có thể dẫn đến các triệu chứng liên quan và khiến bệnh tái phát lại.
Dịch: Hải Đường Tĩnh Nguyệt
nguồn tiếng việt: https://beautifulmindvn.com/2017/03/07/thuoc-dieu-tri-tram-cam-va-nhung-dieu-can-biet/
Nguồn tiếng anh: http://www.webmd.com/depression/guide/optimizing-depression-medicines#4